SỨ MẠNG GIÁO HỘI

Sứ mạng của Giáo Hội quá lớn và gần như vượt sức người. Có lẽ người ta khó mô tả đầy đủ được sứ mạng đó. Thánh Phao-lô có lần dùng chữ thật kêu để nói về Giáo Hội, bảo đó là cột trụ và nền móng của chân lí. Ngài nói, đó là thầy dạy đức tin do Chúa cắt cử, đồng thời có nhiệm vụ canh giữ không để mất chân lí đức tin và không để sai lầm nào thấm nhập vào giáo huấn. Phải chăng Giáo Hội là ông từ nghiêm khắc canh giữ đền thánh?

Điều anh nói được trích từ các thư mục vụ, mà phần lớn các nhà chú giải Kinh Thánh hiện nay bảo không phải do Phao-lô viết, nhưng ở đây ta không bàn chuyện đó. Dù sao, những lá thư đó vẫn nằm trong truyền thống phao-lô ; và, ít nhất trong trường phái Phao-lô, lối suy nghĩ đó vẫn đang được tiếp tục. Ngay trong các thư quan trọng của Phao-lô, ta thấy ngài viết rằng, Giáo Hội là kẻ cưu mang sống động chân lí của Chúa Ki-tô. Giáo Hội có nhiệm vụ giữ gìn chân lí đó, có thể nói là cột trụ của chân lí đó; và Giáo Hội cũng sống, truyền bá chân lí đó một cách sống động và dễ hiểu, để chân lí được triển nở. Chúng ta cũng đã nghe, Giáo Hội luôn được Thánh Linh hướng dẫn để tìm tới sự thật, vì thế nơi giáo huấn hai yếu tố trung thành và tiến bộ nối kết với nhau.

Điều đó không chắc

Luther đã phản đối điều đó, bảo rằng, chẳng cần giáo huấn Giáo Hội, chỉ có Kinh Thánh là đủ. Ông bảo, giáo huấn là kiêu ngạo, mỗi người có thể tự mình hiểu Kinh Thánh, nếu đọc một cách đúng đắn. Ngày nay ta thấy càng ngày càng rõ, là kinh sách thường mang nghĩa đôi. Lời Chúa chỉ sống động trong Giáo Hội, nên phải bước vào trong đời sống Giáo Hội. Như thế thì ta cũng cần một cơ quan được ủy quyền diễn giải. Cơ quan đó dĩ nhiên phải hiểu là nó không đứng trên, nhưng đứng dưới lời Chúa và phải lấy lời đó làm chuẩn.

Ngoài ra, trong lãnh vực này, hiện nay cũng đã có những cuộc trao đổi làm hoà giữa các Giáo Hội. Qua đó, phía Công giáo đã phải bỏ đi một số nội dung diễn giải lời Chúa, trong khi phía Tin lành đang đưa việc diễn giải đi vào thẩm quyền của Giáo Hội. Từ những nhận thức đó, hệ quả sau đây đã nẩy sinh theo thời gian: Nếu lời diễn giải của Giáo Hội có giá trị bó buộc, thì Giáo Hội phải có một lực đỡ, một soi sáng nào đó, để Giáo Hội có thể diễn giải đúng như Chúa Thánh Linh, đấng dẫn dắt mình, muốn. Với lối nghĩ đó, cuối cùng, huấn giáo không sai lầm (bất khả ngộ) đã hình thành.

Điểm này hẳn cần phải giải thích thêm

Để không bị lạm dụng và hiểu lầm, điểm này, dĩ nhiên, phải được hiểu thật đúng trong khuôn khổ giới hạn của nó. Không phải mọi lời do giáo quyền hay giáo chủ nói ra, đều không sai lầm. Nhưng chỉ những gì mà Giáo Hội, sau những cuộc đấu tranh tinh thần khó khăn trong lịch sử và qua quá trình cầu nguyện suy tư lâu dài, tuyên bố đây là điều diễn giải chính thức. Và như thế, nhờ ơn soi sáng, Giáo Hội vạch ra nơi đây một lằn ranh để giúp con người khỏi rơi vào lầm lạc, và đồng thời cũng để nói cho họ hay rằng, Giáo Hội không phải là một dụng cụ phá hoại lời Chúa, song là người Mẹ và là chủ thể, qua đó lời Chúa được sống động, được phát biểu đúng và được diễn giải đúng. Nhưng, như đã nói, tất cả phải có điều kiện. Có nghĩa là tất cả những ai mang trách nhiệm trong Giáo Hội phải phục tùng những điều kiện đó trong tinh thần trách nhiệm cao. Họ không được lấy í mình ra để quàng lên Giáo Hội, nhưng phải đứng vào trong cộng đoàn đức tin chung với tinh thần phục vụ và lắng nghe lời Chúa. Họ phải để cho lời đó hướng dẫn và tẩy gội cuộc sống, có như thế họ mới có thể diễn giải lời Ngài đúng được.

Sứ mạng Giáo Hội rõ ràng cũng bao gồm cả tinh thần đối kháng và nhận lỗi. Với tinh thần đó, Giáo Hội có một chút gì phản kháng và quá khích và khác người. Nếu tôi không lầm, thì Giáo Hội luôn chống lại mốt độc tài. Giáo chủ (Gio-an Phao-lô II) đã dùng tiếng nói tông đồ của mình để phản đối thế giới và coi đó là nhiệm vụ cao cả của mình : Hãy phản đối, ngài đã kêu gọi như thế. Chống lại quyền lực của thực tại, chống lại cái quá trớn của chủ nghĩa vật chất và chống lại sự mù loà của một thế giới vô đạo đức.

Sứ mạng của Giáo Hội, hẳn nhiên, bao gồm việc sẵn sàng phản đối và đối kháng. Ta đã thấy, trong con người luôn có khuynh hướng chống lại những lời từ trên xuống; họ muốn được thoải mái, muốn được tự quyết định cái gì họ muốn, bằng cách tự đặt ra những ý hệ, tự tạo ra cho mình một mốt thời trang và đi theo mốt sống đó.

Hãy trở lại lần nữa với lời tiên tri của Si-mê-on. Ông đã nói về Chúa Ki-tô: Con trẻ này sẽ là dấu cho người ta chống. Và ta hãy nhớ lại chính lời  Đức Giê-su : “Tôi không đến để đem bình an, nhưng đem gươm giáo”. Câu nói đó cho thấy sứ mạng to lớn và quan trọng của Giáo Hội chống lại thời thượng, quyền lực của thực tại và độc tài ý hệ. Ngay thế kỷtrước, Giáo Hội cũng đã phản kháng lại những nền độc tài lớn. Và ngày nay, chúng ta đau buồn thấy sự phản đối của Giáo Hội quá yếu, tiếng nói phản kháng của chúng ta đã không kiên quyết và đủ lớn cho thế giới nghe. Nhưng cám ơn Chúa đã có những gương tử đạo. Trong khi giáo triều yếu đi vì tế nhị ngoại giao, thì các vị tử đạo đã trả giá cái mâu thuẫn đó bằng chính cuộc sống mình.

Hẳn nhiên, không phải phản kháng vì thích phản kháng, hay là một phản ứng suông hoặc vì cảm thấy bất lực trước viễn ảnh tương lai. Mà thái độ hay hành động đó phải luôn mở ra cho cái thiện mọi thời, cho cái mới gói gém trong mọi thời đó – cái mới đó cũng luôn mở ra những chiều kích hoàn toàn mới của lời Chúa. Lại nữa, khi hành động, ta cũng không được vì bất cứ lí do gì đẩy đức tin ra lề hay để cho nó bị lu mờ đi. Phải chống lại những gì ngược lại với Thiên Chúa, cho dù vì thế mà mình phải tự chống mình – cho đến phải can đảm chấp nhận tử đạo.

Đức tin thường mâu thuẫn với tinh thần thời đại. Tinh thần thời đại, ngược lại, càng chống lại đức tin nhiều hơn. Chuyện đó chẳng mới lạ gì. Guardini có lần viết : “Ai sống với Giáo Hội, lúc đầu thường thấy sốt ruột bực mình, vì Giáo Hội luôn cứ bắt họ phải làm ngược lại những người khác”. Người tín hữu, theo ông, cảm thấy mình lạc hậu trước dư luận đương thời, mà thoạt tiên người ta luôn coi là tiến bộ hơn mình. Ông viết : “Nhưng khi miếng vải bịt mắt được gỡ ra, họ nhận ra Giáo Hội luôn kéo con cái mình ra khỏi lối đi của quyền lực thời đại và giữ họ lại theo cái đang có. Thật lạ lùng, không ai có được thái độ hoài nghi và độc lập nội tâm trước “cái mà mọi người đều nói” hơn là người thật sự sống với Giáo Hội”.

Vâng, những điều giáo sư ấy viết ra cũng phản ảnh cuộc đời của ông. Thời Guardini ngồi trên ghế đại học là lúc gia sản chủ nghĩa tự do còn rất mạnh, ngay cả trong thần học công giáo. Giáo sư Koch, một trong những thầy dạy ông ở đại học Tübingen, bị ảnh hưởng chủ nghĩa đó khá nặng. Dĩ nhiên anh sinh viên trẻ Guardini lúc đó cũng theo thầy. Chuyện các sinh viên liên đới với một ông thầy ăn nói mạnh bạo, tự do, bàn về những điều mới lạ vượt khỏi vòng vây truyền thống và bốp chát lại với Rô-ma, là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, trong thời gian học, cũng là thời gian ông rơi vào mối hoài nghi lớn về đức tin, rốt cuộc ông đã nhận ra được bộ mặt đích thực của Giáo Hội qua phụng vụ. Ông cho hay, dù vẫn mê theo thầy, nhưng ông đã chọn cho mình con đường chống lại tự do, bởi vì suy cho cùng, theo ông, chỉ có Giáo Hội là thực lực duy nhất dám phê bình lại chủ nghĩa này. Càng bước theo Giáo Hội, càng đi sâu vào trong nó, càng tín thác vào đức tin Giáo Hội – sự tín thác này bị coi là thái độ trẻ con, thiếu độc lập -, ông càng nhận ra mình có được sự độc lập lớn hơn trước tinh thần thời đại, càng có được đầu óc tỉnh táo, hơn là đứng ở bất cứ từ nơi đâu khác. Guardini là một trong những kẻ tiên phong phá bỏ khuynh hướng tự do trong thần học. Nhờ đó, họ đã đánh thức dậy, cho cả một giai đoạn khoảng từ 1920 tới 1960, niềm vui lớn nơi Giáo Hội, niềm vui cùng nghĩ, cùng tin với Giáo Hội. Cá nhân Guardini đã kinh nghiệm điều đó như thể miếng vải che mắt được lột đi, và ông bỗng thấy rằng : thì ra vấn đề hoàn toàn khác, không như thiên hạ nghĩ. Đó không phải là thái độ thiếu độc lập trẻ con, mà là can đảm phản đối, và đó là sự tự do đối kháng trước dư luận kìm toả của thời thế Cái tự do đó đồng thời cung cấp cho ta một nền tảng chắc chắn, nền tảng đó không do Giáo Hội tự nghĩ ra.

Và rồi những chuyện song song khác cứ thế lạ lùng mở ra…

Vâng.